Đảo Cô Tô giữa bốn bề biển khơi mênh mang sóng nước có một ngôi đền thiêng mà người dân nơi đây luôn lấy làm tự hào và hãnh diện. Đó là Đền thờ Bác trong cụm Di tích tượng đài Hồ Chủ tịch. Đây cũng là tượng đài duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng khi Người còn sống. Trên đảo nhỏ, giữa bốn bề biển khơi, tượng đài Bác uy nghiêm hướng ra Biển Đông như khẳng định một chân lý, mảnh đất thân thương này là máu thịt của đất nước Việt Nam.
Cách Thủ đô Hà Nội hơn 250 km, huyện đảo Cô Tô nằm ở giữa mặt biển phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí rất quan trọng về quốc phòng - an ninh của Tổ quốc. Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đầu năm 1954, Cô Tô là xã thuộc huyện Móng Cái, sau đó lại tách thành hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh. Từ 1964, hai xã đã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả. Năm 1994, Chính phủ đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn, đồng thời tách và thành lập huyện Cô Tô.
Ngày 9/5/1961, lần đầu tiên Bác Hồ đã ra thăm đảo và căn dặn đồng bào, chiến sĩ trên đảo: "... Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ". Với tấm lòng kính trọng vô hạn đối với Bác Hồ, quân và dân trên đảo Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo, để lúc nào cũng được nhìn thấy hình ảnh của Người. Và nguyện vọng của bà con trên đảo Cô Tô đã được Bác Hồ đồng ý. Năm 1968, tượng đài Bác Hồ đã được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện.
Lúc đầu, tượng Bác được dựng bán thân, với chất liệu làm bằng thạch cao, tay phải giơ lên cao vẫy chào đồng bào. Tượng cao 1,8m, cả bệ là 4 m. Công trình được khánh thành ngày 22/5/1968, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác. Năm 1976, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 86 của Bác, tượng Bác bán thân được thay bằng tượng toàn thân, với chất liệu bê tông cốt thép. Tượng có chiều cao 4,5m, cả bệ cao 9m, nằm cách bờ biển 100m. Năm 1996, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, tượng Bác bằng bê-tông được thay bằng đá gra-nít. Cho đến ngày nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cô Tô vẫn được đánh giá là tượng đài Bác có quy mô to lớn, đẹp nhất vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô là một trong những Di tích đặc biệt quan trọng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử số 985 QĐ/VH, ngày 7-5-1997. Cùng với tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô, năm 2005, huyện Cô Tô đã xây dựng ngôi đền thờ Bác, trên khuôn viên ngay sau tượng đài. Ngoài ra, nhiều hạng mục khác trong khuôn viên di tích như khuôn viên tượng đài, vườn cây, tường bao… cũng được đầu tư tôn tạo, thể hiện lòng thành kính của người dân trên đảo Cô Tô đối với Bác.
Sinh thời, Người đã từng đặt chân lên nhiều hòn đảo của Tổ quốc như đảo Tuần Châu, đảo Hòn Rồng, đảo Cồn Cỏ, đảo Cô Tô, đảo Vạn Hoa, đảo Bạch Long Vĩ… Nhưng với người dân huyện đảo Cô Tô, hơn 50 năm qua dấu chân Người như vẫn còn ấm đâu đây. Dấu chân của Người in nơi cánh đồng muối của bà con trên đảo Cô Tô mà Người đã từng đến thăm. Bờ ruộng khoai nơi Người đến và dừng lại nói chuyện với bà con. Còn nữa, khu nhà lưu niệm - nơi Bác Hồ đã gặp gỡ cán bộ, nhân dân Cô Tô... tất cả vẫn như khẳng định một niềm tin mãnh liệt của quân và dân trên đảo Cô Tô với Bác và tình yêu thương bao la của Bác đối với bà con trên đảo nhỏ này.
Năm tháng trôi qua, nhưng lòng người Cô Tô không nguôi nhớ Bác. Nỗi nhớ trong sáng, bình dị như vẻ đẹp hoang sơ thánh thiện của hòn đảo hành trình Cô Tô. Mỗi ngày ngắm nhìn tượng đài Bác và ghi nhớ lời căn dặn của Người, tin tưởng rằng, đồng bào và chiến sĩ trên quần đảo Cô Tô sẽ luôn cố gắng phấn đấu lao động sản xuất, đồng thời luôn chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.